
Thực chất có “nhà giá gốc” hay không? Ai thẩm định “giá gốc” này?… InfoTV xin ghi lại những ý kiến đánh giá khác nhau của một số chuyên gia bất động sản cũng như nhà chức trách xung quanh sự kiện này.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ: "Ý tưởng lành mạnh"

Theo tôi, ít nhất đây cũng là ý tưởng nhằm ủng hộ cho việc đưa các nhà đầu tư có thể tiếp cận với người tiêu dùng hay nói cách khác là người tiêu dùng có thể trực tiếp tiếp cận với các chủ đầu tư. Đây là vấn đề hơi xa lạ ở Hà Nội, vì vậy nếu ý tưởng này thực hiện được thì rất tốt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy, trong hoàn cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, giao dịch gần như đóng băng hiện nay thì sự kiện “Ngày hội mua nhà giá gốc” có thể là một động thái giúp các nhà đầu tư “khơi thông” giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể hiểu rằng đây cũng là lời kêu gọi chủ đầu tư giảm giá, giảm giá sản phẩm về đúng với giá thành sản xuất.
Vấn đề đặt ra hiện nay là, làm thế nào để biết được đâu là giá gốc thực sự thì rất khó bởi trong hoàn cảnh hiện nay, vị thế của nhà đầu tư đang lớn hơn người mua nhà, chính vì vậy họ có thể đưa giá này hay giá khác đều là gốc. Giá gốc này là giá của nhà đầu tư đưa ra, chứ không phải là giá gốc của thị trường đã được thẩm định.
Tôi cho rằng, đây là quyền của nhà đầu tư và chúng ta đừng quan tâm tới vấn đề này. Nếu người mua nhà tiếp cận với nhà đầu tư thấy mức giá nhà do chủ đầu tư đưa ra hợp lý đối với mình thì mua và nếu chưa hợp lý thì không mua.
Hiện nay, có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của “nhà giá gốc” bởi nhà ở là sản phẩm rất đặc biệt vì nó phụ thuộc vào chất lượng, tiến độ… vì vậy trong 1 thời gian ngắn diễn ra “Ngày hội nhà giá gốc” đó thì liệu chủ đầu tư có đảm bảo về chất lượng không? Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là người tiêu dùng phải đủ thông minh, đủ thông tin, hiểu biết về pháp luật để có thể tìm hiểu và quyết định việc gì. Đây chính là quyền của người tiêu dùng.
Ông Trần Như Trung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam:
“Chiêu” bán hàng mới của giới đầu tư

Cái tên là “gốc”. Khi nói đến “gốc” thì cần phải có hệ quy chiếu của nó, “gốc” là so với cái gì? Logic vấn đề gây sự chú ý với mọi người. Khi nói về giá gốc, nghĩa là nếu trong định giá phải có tham khảo, và tham chiếu, tham chiếu và định giá như thế nào là cả một vấn đề lớn.
Vì vậy, theo tôi, phải có một cái tên phù hợp để tránh gây ra những thông tin mờ ảo khiến nhiều người hiểu nhầm, còn việc bán, cách bán thì chúng ta nên ủng hộ bởi đây cũng là một trong những “chiêu” bán hàng của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng về giao dịch như hiện nay.
Hiên nay có nhiều ý kiến băn khoăn về việc gọi là “giá gốc” như thế nào? Liệu chữ tín và thương hiệu của nhà đầu tư ra sao?… Nếu nhà đầu tư đã sẵn sàng tham gia “Ngày hội bán nhà giá gốc” thì đương nhiên chủ đầu tư phải đặt cược chữ tín của mình trong cuộc chơi này. Nếu họ làm được việc đó thì bước khởi đầu tốt đẹp.
Có ý kiến cho rằng, giá gốc là giá rẻ nhất trên thị trường. Tuy nhiên, nếu nói về vấn đề này là cả câu chuyện dài về định giá. Mỗi một khâu lại có một giá khác nhau, như giá định theo mục đích sử dụng, giá đầu tư…
Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường: Ai đảm bảo quyền lợi cho khách hàng?

Cũng như các hàng hóa thông thường khác, sản phẩm nhà ở được bán tại sự kiện “Ngày hội mua nhà giá gốc” cũng phải có đơn vị thẩm định lại hàng hóa của chủ đầu tư rồi mới được phép bán chứ ko phải chủ đầu tư tự khẳng định: hàng của tôi tốt, đảm bảo chất lượng, đấy là giá gốc và tôi có thể công khai bán giá gốc ấy được.
Trong vài năm nay, chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc bán bất động sản trái pháp luật. Do vậy, khi tổ chức “Ngày hội mua nhà giá gốc” thì ai sẽ là người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho khách hàng về sau này, nếu người mua mua phải sản phẩm thuộc dự án nằm trong quy hoạch treo, vành đai xanh phải chỉnh sửa, thậm chí phải chuyển đổi cả dự án… thì sẽ như thế nào?.
Vì vậy, tôi nghĩ, mặc dù chủ đầu tư tự đứng ra khẳng định tính pháp lý của họ nhưng hiện vẫn chưa có cơ quan nào thẩm tra được tính pháp lý của chủ đầu tư đó là đúng hay sai, vì vậy vấn đề bảo vệ quyền lợi của khách hàng vẫn quan trọng.
Khi nói về khái niệm “nhà giá gốc”, hiện nay theo tôi được biết chưa từng tồn tại bất cứ loại hàng hóa nào gọi là “giá gốc” cả. Bởi vì không có mặt hàng nào khi đem ra trao đổi trên thị trường mà nhà sản xuất lại khai thật giá thành sản xuất, mức thuế tối đa bao nhiêu. Vì vậy, khái niệm “nhà giá gốc” là khái niệm được giới đầu tư đưa ra nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng. Đây là giá gốc do chủ đầu tư đưa ra, mà không phải qua 1 kênh trung gian môi giới nào cả.
Theo quy định, tất cả các dự án chỉ cho phép bán sản phẩm không qua sàn là 20%, tuy nhiên để có được con số 20% đó thì chủ đầu tư phải gửi danh sách những người tham gia góp vốn từ đầu lên Sở Xây dựng phê duyệt và sau này mới được cấp sổ đỏ cho họ. Vậy tính pháp lý trong “Ngày hội mua nhà giá gốc” sẽ như thế nào? Ai là người đứng ra kiểm tra các gian hàng của các chủ đầu tư mang đến bán? Liệu ai đảm bảo được có bao nhiêu phần trăm nằm trong số 20% được phép ko giao dịch qua sàn? Rõ ràng ý tưởng tốt nhưng người tổ chức đã không thực hiện đúng theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội:
Theo quy định của pháp luật, nếu tổ chức một sự kiện phải đăng ký trước 30 ngày.
Sự kiện “Ngày hội mua nhà giá gốc” theo đăng ký được tổ chức vào cuối tháng 9 nhưng Sở Công thương Hà Nội mới nhận được hồ sơ đăng ký. Như vậy tính đến cuối tháng 9 này thì sự kiện này vẫn chưa đủ thời gian cấp phép.
Diaocniemtin.com Theo InfoTV